Nhà sáng chế "bất đắc dĩ"

Bỏ công việc với mức lương "khủng" khoảng hai mươi triệu đồng mỗi tháng (năm 2005) để trở thành một nhà sáng chế, rồi chủ doanh nghiệp mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 2.000 chiếc máy nông nghiệp, góp phần giúp bà con nông dân đỡ vất vả trong việc đồng áng và tăng năng suất lao động, đó là kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Hải Châu. Bỏ việc lương cao, đi sáng chế máy nông nghiệp.
 
nhà sáng chế nguyễn hải châu
Anh Nguyễn Hải Châu trong chương trình '' DOANH NHÂN VÀ HỘI NHẬP'' trên VTV1
 
Sau khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Viện Đại học Mở Hà Nội, Nguyễn Hải Châu trở thành chuyên viên trong một dự án phi chính phủ, triển khai các dự án chuyển giao công nghệ kỹ thuật, cung cấp các giải pháp để phát triển kinh tế cho bà con nông dân ở vùng cao tỉnh Lạng Sơn.
 
Khi đó, Nguyễn Hải Châu nhận thấy những công cụ lao động mà dự án cung cấp không phù hợp với bà con. Anh đánh giá, có những thiết bị về công suất, công năng rất tốt, nhưng việc vận hành lại tương đối khó khăn so với trình độ của bà con nông dân vùng cao, có nhiều thiết bị chỉ có thể hoạt động nếu sử dụng nguồn điện 3 pha chứ không phải nguồn điện gia đình. Ngược lại, anh thấy một số công cụ lao động của những địa phương khác đơn giản, phù hợp với điều kiện kinh tế nhưng năng suất lại không cao, không bảo đảm an toàn lao động, nhiều bà con đã bị tai nạn, "mất" ngón tay khi sử dụng các loại máy thái rau, băm cỏ. Những vấn đề đó khiến Nguyễn Hải Châu ngày đêm trăn trở: Phải làm sao để có những công cụ lao động phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác của bà con ở địa phương, từ đó giúp họ phát triển kinh tế ở chính nơi đang sinh sống.
 
Công việc Nguyễn Hải Châu đang làm lúc đó đòi hỏi tìm và đề xuất ra một số thiết bị mới cải tiến, phục vụ cho thử nghiệm ở các mô hình dự án. Do những thiết bị này không có trên thị trường nên anh phải đi đặt hàng. Cũng vì số lượng không nhiều nên việc đặt hàng rất khó khăn, các cơ sở chế tạo máy không nhận. "Thực tế sau này khi đi vào chế tạo những sản phẩm đó thì tôi thấy các xưởng không nhận đặt là đúng. Từ thiết kế ban đầu, bản vẽ đến thử nghiệm thành công, để sản phẩm thật sự hữu ích, được sử dụng như mong muốn là một quá trình rất dài, mất rất nhiều công sức, nhất là với quy mô nhỏ thì không có lãi"-anh Châu nói.
nhà sáng chế nguyễn hải châu
Anh Nguyễn Hải Châu (bên phải) cùng nhân viên hoàn thiện chiếc máy băm nghiền mới.
 
Sau một thời gian dài đi đặt hàng không được, anh xin đơn vị nghỉ phép để tự chế tạo. Không đặt được cả chiếc máy hoàn thiện, anh đặt từng linh kiện một. Mỗi nơi Nguyễn Hải Châu đặt một vài linh kiện, sau đó về thi công lắp ráp, cho chạy thử. Sản phẩm đầu tiên là thiết bị sử dụng nguồn điện 220V-nguồn điện gia đình. Thiết bị này có thể chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, có các chức năng như: Băm được cỏ, nghiền được ngô, nghiền được cua, cá, ốc để chế biến thức ăn gia súc ngay tại hộ gia đình. Trên thị trường lúc đó đã có nhiều thiết bị có chức năng tương tự, nhưng các chức năng này tách rời và phần lớn trong số đó đều sử dụng nguồn điện 3 pha, như vậy đòi hỏi quy mô sản xuất phải tương đối lớn, công suất cao.
 
Hết thời gian nghỉ phép, sản phẩm vẫn chưa hoàn thiện, anh tiếp tục đề nghị xin nghỉ không lương. Anh làm đi làm lại, thử nghiệm cả trăm lần rồi đưa lên vùng dự án để bà con chạy thử... Sau gần 2 năm sản phẩm mới đầy đủ tính năng, đạt được các mục tiêu ban đầu đưa ra, đó là vừa an toàn, vừa chạy được bằng nguồn điện 220V và làm được ba việc: Băm nhỏ cỏ, thân cây ngô để cho bò ăn, nghiền các loại ngũ cốc khô, cá khô thành bột rồi phối trộn theo công thức để thành cám tổng hợp. Ngoài ra, nó còn có thể băm, nghiền các loại cây tươi khác. Chiếc máy được anh đặt tên là "Máy băm nghiền đa năng 3A", có thể đáp ứng hầu hết các công việc từ đơn giản tới phức tạp trong nông nghiệp nhưng giá thành lại rất rẻ. Hiện nay, máy có giá chỉ từ 4-6 triệu đồng, tùy theo nhu cầu lắp đặt ít hay nhiều chức năng.
 
Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, Nguyễn Hải Châu quyết định bỏ công việc đang mang lại thu nhập ổn định-gần hai mươi triệu đồng một tháng-để đi "chế tạo máy". Quyết định này khiến anh gặp không ít lời bàn tán, ngăn cản, thậm chí bị nói là "điên".
 
Không lùi bước
 
Sản phẩm Nguyễn Hải Châu đã thử nghiệm thành công, nhưng cũng chính thời điểm ấy, dự án kết thúc. Để có thể thực hiện các dự án mới phải có kế hoạch, có thời gian nhất định để chuẩn bị. Nguyễn Hải Châu rơi vào cảnh sản phẩm chế tạo ra nhưng không đến tay người sử dụng. "Tôi đối mặt với việc không có nguồn thu để tái đầu tư sản xuất, làm ra chỉ cho mượn, thử nghiệm chứ không phải sản phẩm thương mại"-anh chia sẻ.
 
Để gỡ khó, việc đầu tiên Nguyễn Hải Châu nghĩ đến là phải lập công ty để có tư cách pháp nhân. Anh kể: "Sở dĩ sản phẩm của tôi hiệu quả nhưng các tổ chức, cá nhân chưa mua, chưa sử dụng bởi tư cách pháp nhân chưa có. Thế là Công ty Cổ phần Đầu tư Tuấn Tú ra đời. Lúc này chỉ có tôi và hai người thân làm tất cả mọi việc".
 
Nguồn vốn ban đầu Nguyễn Hải Châu có đều là từ số tiền gia đình tích cóp và vay mượn. Anh chưa thể huy động từ một nguồn nào khác bởi các nhà cung cấp nguyên liệu, các nhà gia công chưa tin tưởng Nguyễn Hải Châu nên không cho nợ bất cứ khoản gì, chuyển tiền đến đâu làm đến đó. Khách hàng thấy máy của anh không có thương hiệu, không biết máy có tốt hay không nên cũng không mua. "Mãi mới có người mua thì họ đòi mua chịu, đòi được trả chậm mới mua", anh Châu kể.
 
Không có nhân viên nên Nguyễn Hải Châu phải tự làm tất cả. Chưa có kinh nghiệm về kinh doanh nên năng suất lao động rất thấp, công ty gần như không có lãi, thỉnh thoảng lại bán chịu. "Máy chạy tốt nhưng không thu hồi được vốn vì người ta không trả tiền"-anh nhớ lại. Lúc đó, thời gian làm việc một ngày của anh trung bình khoảng 20 tiếng với đủ các công việc: Làm ở xưởng, truyền đạt, hướng dẫn cho nhân viên, chở máy đi mời chào, gặp khách hàng, đêm về đọc tài liệu,...
 
Phát triển hệ thống marketing
 
Anh Châu tâm sự: Thời điểm dự án tôi tham gia kết thúc chính là thời điểm bước ngoặt cuộc đời tôi. Lúc trước thì làm công ăn lương, bây giờ phải lo tất cả. Lúc này tôi mới bắt đầu tìm hiểu về marketing, kênh phân phối, về kinh doanh, định giá... Vừa học, Nguyễn Hải Châu vừa áp dụng vào thực tế sản xuất.
 
Nguyễn Hải Châu nhanh chóng làm được phần marketing online, hình thành và phát triển trong thời gian rất ngắn. Qua những thước phim quảng cáo, những bài viết trên website, bà con nông dân dần dần biết đến, rồi một số người mạnh dạn mua sản phẩm của anh. Anh tiến hành các công đoạn cuối cùng để sản phẩm thực sự đáp ứng được những tiêu chuẩn phải có của một sản phẩm thương mại như có tem, mác, lô-gô, phiếu bảo hành cùng các tiêu chuẩn khác mà cơ quan chức năng quy định...
 
Việc marketing online của anh thành công nhanh chóng bởi anh vốn là kỹ sư công nghệ thông tin, lại được một nhóm các bạn khuyết tật yêu thích công nghệ thông tin giúp đỡ. Nguyễn Hải Châu đã hướng dẫn nhóm bạn này sử dụng máy vi tính, mang tới cho họ một công việc có thể làm ngay tại nhà với thu nhập ổn định. Anh dạy, hướng dẫn họ sử dụng chương trình photoshop (chương trình chỉnh sửa ảnh) với mong muốn có thể giúp họ nhận ảnh, video mà thợ quay phim, chụp ảnh đám cưới chuyển lại để xử lý, qua đó có thêm nguồn thu nhập.
 
"Khi tôi nghiên cứu kỹ về mảng marketing online, tôi thấy các bạn khuyết tật hoàn toàn có thể làm chuyên sâu vào phần này. Đầu tiên tôi làm, hướng dẫn cho các bạn làm quen các vấn đề cơ bản. Lúc này các bạn khuyết tật mới biết như thế nào là một bài viết giới thiệu sản phẩm, như thế nào là chụp những bức ảnh giới thiệu sản phẩm... Sâu hơn nữa là làm sao để đạt được những chuẩn về ngôn ngữ, chuyên môn, làm sao để trang tìm kiếm Google đề xuất được những sản phẩm mà chúng tôi đưa lên ở thứ hạng cao, bà con gõ vào sẽ thấy ngay. Các bạn ấy làm rất tốt"-anh Châu cho biết.
 
Lúc này, bà con nông dân bắt đầu biết tới và mua không chỉ những sản phẩm có nguồn thu và tái sản xuất được mà còn tin tưởng đặt hàng những thiết bị trên thị trường chưa có, hoặc có rồi nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết để Nguyễn Hải Châu nghiên cứu cải tiến, chế tạo.
 
Các sản phẩm là sáng chế mới và cả từ cải tiến máy cũ nối tiếp nhau ra đời. Từ thực tế cuộc sống lao động của bà con, mỗi lần có sản phẩm mới, Nguyễn Hải Châu lại đưa sản phẩm quay trở lại với những bà con đặt hàng. Họ tiếp tục sử dụng, đóng góp ý kiến để anh sửa chữa, cải tiến đến khi nó thực sự phù hợp, khi ấy thiết bị mới trở thành sản phẩm thương mại.
 
Đến nay, anh đang đưa ra ba nhóm sản phẩm chính: Máy nông nghiệp cho bà con nông dân (máy băm nghiền, chế biến thực phẩm, máy băm cỏ,...); các thiết bị xử lý môi trường (máy tái chế phụ phẩm nông nghiệp, dùng công nghệ vi sinh ủ thành phân bón cho cây, băm nghiền quả dừa, máy ép phân chuồng,...); máy chế biến thực phẩm (máy thái rau,...). Đây cũng là ba nhóm sản phẩm được anh quan tâm và định hướng nghiên cứu sâu. Hiện tại, trung bình một năm công ty của anh cung cấp ra thị trường hơn 2.000 chiếc máy nông nghiệp trị giá khoảng 30 tỷ đồng. Sản phẩm được phân phối qua hơn 30 đại lý ở các tỉnh trên cả nước và ở Lào, Cam-pu-chia.
 
Chúng tôi có mặt tại thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vào một sáng tháng 9, trời nắng gắt. Cánh đồng lúa chín vàng ươm của thôn Mỏ Thổ rộn vang tiếng máy gặt, tuốt lúa. Gương mặt tướt tát mồ hôi, anh Nguyễn Văn Nhẫn đang lia máy gặt, từng loạt lúa ngả rạp xuống. Anh dừng tay, vui mừng nói: "Mau lắm anh ạ! Trước đây, như thửa ruộng này phải gặt mất mấy ngày trời, nay chưa đầy một ngày đã xong". Trên tay anh Nhẫn là chiếc máy cắt lúa cầm tay do Nguyễn Hải Châu cải tiến.
 
Chia tay anh Châu, khi được hỏi bí quyết thành công của anh là gì, anh cười nói với chúng tôi rằng, "là tình cảm dành cho người nông dân"!
 
Nguồn: http://www.qdnd.vn/. Đăng ngày: 08/10/2016 (Xem tại ĐÂY)


Bài viết liên quan

Không có bài viết liên quan

Bình luận

Lưu ý: không hỗ trợ mã HTML !